Mỗi kê sư sẽ có cách nuôi gà đá cựa sắt riêng. Khi trải qua nhiều lần thất bại, người ta tự tìm kiếm được phương pháp riêng của mình. Tuy nhiên bạn có thể giảm thiểu điều này bằng cách học hỏi kinh nghiệm của những kê sư đi trước, đúc kết và có được cách nuôi tốt nhất.
Vậy nên bài viết hôm nay hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cách nuôi gà đá cựa sắt có lực – đủ pin – đủ lực – tải cựa tốt.
HƯỚNG DẪN CÁCH NUÔI GÀ ĐÁ CỰA SẮT HIỆU QUẢ
ĐẢM BẢO YẾU TỐ TÔNG DÒNG
Trước khi bắt đầu phương pháp hướng dẫn cách nuôi gà đá cựa sắt hiệu quả. Bạn cần chắc chắn rằng mình đang sở hữu giống gà tốt.
Ông bà xưa có câu “Nhất tướng nhì tông tam lông tứ giống”. Có thể nói tông dòng quyết định rất nhiều đến khả năng của chiến kê sau này. Do đó thay vì chọn những con không có tiềm năng, vừa tốn thời gian lẫn công sức, bạn nên tìm kiếm những giống gà tốt.
Với một người mới tập tành nuôi gà, rất khó để bạn có được một giống gà chuẩn. Bạn có thể “xin” từ những kê sư có tiếng. Tuy nhiên rất hiếm để điều này được chấp thuận, trừ phi bạn đủ thân thiết. Hoặc bạn có thể mua giống có sẵn trên thị trường, có rất nhiều trang trại bán gà đá hay, hãy tìm kiếm một cơ sở uy tín – chất lượng để có được những chiến binh tốt nhất.
CÁCH NUÔI GÀ ĐÁ CỰA SẮT ĐẢM BẢO VỀ YẾU TỐ CHUỒNG TRẠI
Sau khi có trong tay chú gà chiến được phối giống từ tông dòng tốt, bạn cần chuẩn bị không gian chăm sóc phù hợp.
Tùy diện tích nuôi gà đá và mô hình chăm sóc mà bạn tiến hành xây dựng cho phù hợp. Nếu như bạn có đủ không gian với lượng gà đá ít thì khi xây chuồng đảm bảo diện tích khoảng 2 – 4 m2, riêng chiều cao phải tối thiểu 1m.
Ngược lại nếu không gian nuôi gà ít đi kèm với lượng gà lớn, bạn có thể nuôi chúng trong không gian hẹp hơn, chỉ đủ để di chuyển qua lại vài bước chân. Nhưng thay vào đó, bạn phải xây dựng một sân tập với các thiết bị cần thiết để hỗ trợ gà chiến trong giai đoạn trưởng thành.
Khi xây chuồng đảm bảo yếu tố “thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông”, giữa các chuồng nuôi phải ngăn cách với nhau bằng vải hoặc bằng tường dày, đảm bảo chiến kê không nhìn thấy nhau cũng như cọ mỏ.
Nền chuồng ưu tiên sử dụng cát hoặc trấu để bảo vệ chân gà không bị trầy xước, tổn thương. Nếu có thể, nên bố trí một thân cây giữa chuồng, như vậy gà sẽ có không gian ngủ và tập luyện cho đôi cánh săn chắc hơn.
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO GÀ ĐÁ
Chế độ dinh dưỡng quyết định thể trạng, sức khỏe và khả năng của chiến kê sau này. Ở mỗi giai đoạn gà đá sẽ có khẩu phần ăn khác nhau. Cụ thể:
– Đối với gà 5 tháng tuổi trở xuống: Hệ tiêu hóa của chúng còn kém, sức khỏe không tốt và dễ chết. Do đó kê sư nên cho chúng ăn cám công nghiệp, rau xanh,… để đảm bảo chúng mập khỏe nhất có thể. Khi có đủ sức khỏe, chúng sẽ tự lướt qua bệnh tật.
– Từ 5 – 7 tháng tuổi: Cần loại bỏ cám ra khỏi khẩu phần ăn của chiến kê và thay bằng thóc/ lúa ngâm qua nước, rau xanh và một số mồi tươi như sâu, dế, thịt bò,… để gà tăng cân, tăng cơ. Giai đoạn này nên kiểm soát lượng tiêu thụ trong ngày, cho ăn đúng bữa để chúng quen giờ giấc.
– Từ 7 tháng tuổi trở lên: Kết hợp chế độ luyện tập với dinh dưỡng để gà có được thể trạng tốt nhất. Có thể bổ sung thêm thuốc nuôi gà để kích thích, tăng pin – tăng bo – tải cựa cho chiến kê. Song đừng quá lạm dụng thuốc. Thức ăn quan trọng nhất ở giai đoạn này vẫn là thóc/ lúa, rau xanh và mồi. Tuy nhiên nên cho ăn nhiều rau hơn so với thóc, riêng mồi tùy loại mà bổ sung 1 – 2 lần/ tuần.
CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP – ĐIỀU KHÔNG THỂ THIẾU TRONG CÁCH NUÔI GÀ ĐÁ CỰA SẮT
Để sở hữu một chú gà đá thiện chiến, khỏe mạnh thì chính sách luyện tập cực kỳ quan trọng. Nếu như bạn nuôi gà theo chế độ thả lang thì trước khi thi đấu 1 tháng, cho gà vào chế độ luyện tập là có thể sẵn sàng ra trường.
Việc di chuyển nhiều trong suốt khoảng thời gian trưởng thành đã giúp chúng có được đôi chân chắc khỏe và sự hiếu chiến. Ngược lại với gà được nuôi nhốt nhiều do diện tích không đảm bảo thì từ tháng thứ 8 – 9 bạn cho chúng thực hiện một số bài tập sau:
– Chạy lồng: Cho 1 gà đá cùng chạng vào bội và ụp 1 cái bội lớn hơn, cho gà đá cần luyện tập ở bên ngoài. Chúng sẽ bắt đầu chạy vòng tròn quanh bội để tìm cách chui vào, điều này giúp chúng có được đôi chân khỏe khoắn và sức bền tốt.
– Chuồng bay: Thiết kế chuồng hẹp về chiều rộng nhưng chiều cao tương đối lớn. Tiến hành để thức ăn – nước uống trên cao và bắt một thanh gỗ ngang đó. Gà sẽ tự động bay lên đậu để uống nước, ăn uống và nhảy xuống dưới để di chuyển. Việc thực hiện này lặp đi lặp lại không chỉ giúp chúng có đôi chân khỏe, mà còn sở hữu đôi cánh tốt có thể tạo được các đòn đánh từ trên cao.
– Tập luyện với gà phu: Không có gì tốt hơn một kinh nghiệm thực chiến. Cứ 1 tuần cho gà đá đánh với gà phu để nâng cao thể trạng cũng như xác định được lợi thế của chúng rồi từ đó đưa các bài tập vào cho phù hợp.
KẾT LUẬN
Phía trên là toàn bộ cách nuôi gà đá cựa sắt có lực từ A – Z dành cho người mới. Nghe thì đơn giản nhưng khi thực hiện lại vô cùng khó, quan trọng là kê sư phải kiên trì trong 1 thời gian dài. Chúc bạn may mắn.